Google sẽ xếp hạng cao đối với các website thân thiện di động
Kể từ 21/4/2015, Google sẽ dựa vào "mức độ thân thiện với di động" để đánh giá thứ hạng của một website nào đó, và điều này sẽ có tác động đáng kể đến thứ hạng của trang trong kết quả tìm kiếm từ Google search.

 

Google mới đây vừa công bố hai thay đổi quan trọng sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng (rankings) của các kết quả tìm kiếm của người dùng khi sử dụng Google search trên thiết bị di động. Theo đó, Google sẽ ưu tiên hiển thị kết quả từ các website được thiết kế thân thiện với thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng). Ngoài ra, đối với ứng dụng di động, Google sẽ ưu tiên hiển thị thông tin từ các ứng dụng tích hợp công nghệ liên kết sâu (deep link) mà Google từng giới thiệu trên Android KitKat. 

Thân thiện với di động

"Hiện nay ngày càng có nhiều người sử dụng thiết bị di động để truy cập Internet, do đó, chúng tôi cần thay đổi thuật toán để đáp ứng với tình hình đó" - Google giải thích trong công bố của mình.

Đây là một trong nhiều nỗ lực của Google nhằm nâng cao chất lượng kết quả tìm kiếm cho người dùng mobile. Trước đó, năm 2013, hãng cũng đưa ra các thay đổi về thứ hạng để đánh giá thấp các site thiết kế không hợp lý (misconfigured) cho người dùng smartphone. Ví dụ như các site mà khi người dùng smartphone click vào một URL cụ thể nào đó để đọc bài thì bị chuyển hướng (redirect) đến trang chủ của site đó thay vì được chuyển đến bài viết. Đây là một trong những hiện tượng phổ biến của các trang tin.

Mùa hè năm ngoái, Google bắt đầu "gắn cờ" vào các site sẽ không hiển thị trên thiết bị di động do sử dụng các công nghệ không phù hợp, như các site được xây dựng bằng Adobe Flash (các site này không hiển thị được trên thiết bị iOS và thiết bị dùng Android 4.1 trở lên). Tháng 11/2014, hãng tìm kiếm bổ sung thêm nhãn “mobile-friendly” (thân thiện với di động) vào các kết quả tìm kiếm trên Google search khi người dùng tìm kiếm bằng smartphone. Nhãn này nhằm thông báo cho người dùng biết rằng trang web đó được thiết kế tối ưu cho màn hình nhỏ của điện thoại, và họ nên đọc ở site này để được tối ưu (ít nhất là về mặt hiển thị).

                 

       Một ví dụ về website được gán nhãn "mobile-friendly" trên Google search khi người dùng tìm kiếm trên mobile. 

Công bố của Google hôm nay gần như là một sự tiếp nối của việc gán nhãn “mobile-friendly” nói trên. Theo đó, kể từ ngày 21/4/2015, hãng tìm kiếm sẽ dựa vào mức độ thân thiện với di động như một thước đo để xếp hạng của một website nào đó. Thay đổi này có hiệu lực với mọi ngôn ngữ trên thế giới. Google nói rằng thước đo này sẽ tạo ra "ảnh hưởng đáng kể" đến kết quả tìm kiếm. Trong một bài đăng trên blog nêu rõ chi tiết các thay đổi, Google hướng dẫn chủ nhân các website sử dụng các công cụ để giúp trang web của họ phù hợp với di động, bao gồm công cụ thử nghiệm Mobile-Friendly Testing, và Mobile Usability Report.

Lập chỉ mục ứng dụng

Cuối tháng 10/2014, Google công bố hỗ trợ một tính năng mới cho các nhà xuất bản có tên gọi lập chỉ mục ứng dụng (app index). Tính năng này cho phép các nhà xuất bản tạo ra các đường link trên kết quả tìm kiếm Google search, để khi người dùng di động click vào link này, ứng dụng di động của nhà xuất bản đó sẽ tự động được mở đồng thời người dùng được dẫn trực tiếp tới nội dung mà họ quan tâm ngay từ trong ứng dụng. Tất nhiên, điều này chỉ xảy ra trong trường hợp trước đó người dùng đã cài đặt ứng dụng của nhà xuất bản trên smartphone của mình. Hình ảnh minh họa dưới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn trực quan hơn về tính năng này.

                         

                           

Trong app index nói trên, các nội dung ngay từ trong ứng dụng được gọi là các liên kết sâu (deep link) - những trang cụ thể ngay ở trong ứng dụng. Và Google hôm nay công bố rằng các lập trình viên nếu triển khai liên kết sâu sẽ được Google lập chỉ mục ứng dụng theo cách tương tự như các website "thân thiện với di động" hãng vừa công bố hôm nay.

Công nghệ “app index” này được Google lần đầu tiên giới thiệu năm 2013 trong sự kiện về nền tảng Android KitKat. Ở thời điểm đó, Google đã giải thích cho các lập trình viên Android cách làm thế nào để thu hút người dùng ứng dụng bằng cách cho phép Google search trỏ tới trang của ứng dụng một cách trực tiếp. Kể từ thời điểm đó, hàng loạt ứng dụng đã "nghe theo" sự chỉ đạo này. Về sau, Google còn tích hợp công nghệ liên kết sâu với AdWords để cho phép lập trình viên tạo ra các quảng cáo "dụ dỗ" người dùng mở ứng dụng trên smartphone của họ.

Ở một thông tin liên quan, Google cũng công bố rằng hãng sẽ bắt đầu cho phép các nhà phát triển ứng dụng chạy các quảng cáo tìm kiếm trong kết quả tìm kiếm của chợ ứng dụng Google Play Store trên nền tảng di động Android. 

 


Tin công nghệ
Facebook Like Box
Để lại lời nhắn cho chúng tôi